Cách làm bánh đúc chuẩn công thức, thơm ngon từ nguyên liệu ngay tại nhà

An Hạ
29/09/2023
Lượt xem: 249

Anh cu Tràng trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân cưới được vợ chỉ bằng 4 bát bánh đúc. Một món ăn dân dã vô tình trở thành tín vật định ước của hai con người xa lạ. Trong đời thực, bánh đúc cũng trở thành món ăn quen thuộc, thịnh hành khắp ba miền. Chỉ với bột gạo hoặc bột năng cùng một số gia vị đã tạo thành vô số biến thể khác nhau. Thực tế, cách làm bánh đúc không khó. Bạn cũng có thể tự thực hiện ngay tại nhà theo những công thức khác nhau để cùng thưởng thức với người thân trong gia đình. Khám phá ngay 4 cách chế biến bánh đúc sau đây để biết làm bánh đúc không khó như bạn vẫn nghĩ.

Cách làm bánh đúc truyền thống

Muốn nấu được bánh đúc ngon chúng ta phải có gạo chuẩn thường là gạo Khang Dân. Bên cạnh kỹ thuật, kinh nghiệm làm thì việc hãm lửa khi nấu cũng rất quan trọng. Một mẻ bánh ngon phải đảm bảo được các yếu tố săn - mịn - đẹp màu, bánh đông chắc và có màu trắng sáng, giữ được hương vị tự nhiên thơm ngon.

cach-lam-banh-duc-1

1. Nguyên liệu

  • Gạo ngon: 1kg
  • Vôi ăn trầu
  • Ít muối
  • Dụng cụ xay bột, nồi, mâm, dầu ăn, đĩa to hoặc khuôn bánh

2. Cách làm

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  • Gạo đem ngâm trong 3 ngày, mỗi ngày đều thay một lượt nước. Sau đó đem gạo xay thành bột mịn rồi trộn gạo và nước theo tỷ lệ 40:60.
  • Vôi hòa tan trong nước lạnh, để lắng lấy nước trong chừng nửa bát ăn cơm.

Bước 2: Làm bánh đúc

  • Đổ một thìa dầu ăn vào nồi, bắc nồi lên bếp và đun nóng. Tráng đáy nồi cho đều dầu rồi trút hết dầu ra.
  • Đổ bột đã pha vào nồi đồng thời khuấy đều tay liên tục tránh để bột vón lại không bị khê hay sát nồi. Để lửa vừa và giảm dần khi thấy bột gần chín.Lúc này bạn thấy bột trong nồi sệt lại, có màu trong mượt. Khi bạn hớt đũa bột lên thấy bột chảy xuống mà không dính đũa thì tắt bếp.
  • Bạn lấy dầu ăn thoa đều lên đĩa to hoặc khuôn bánh. Đổ tất cả bột vào lường độ dày khoảng 3 - 5cm.
  • Chờ cho bột nguội sẽ thấy bột đông cứng lại và có thể cắt thành từng miếng dễ dàng.

Bước 3: Thành phẩm

Nhiều nơi còn kết hợp bột gạo với lạc nhân được luộc chín bóc vỏ hoặc cơm dừa nạo vụn. Những nguyên liệu này sẽ được thêm vào nồi trước khi nhấc nồi xuống và tắt bếp.

Bánh đúc truyền thống làm hoàn toàn bằng bột gạo đơn giản. Khi nguội bánh đông cứng lại bạn có thể cắt thành từng miếng vừa ăn. Món bánh này ăn kèm với tương dân dã hoặc kết hợp cùng các thực phẩm khác như canh cua, cá kho, đậu phụ rán, thịt lợn luộc,...

Cách làm bánh đúc mặn

Bánh đúc có ở cả 3 miền Bắc Trung Nam. Mỗi vùng lại biến tấu món bánh theo cách khác nhau. Riêng miền Nam cũng nổi bật với món bánh đúc mặn nhân thịt vô cùng hấp dẫn.

1. Nguyên liệu

  • Bột gạo: 100g
  • Thịt heo xay: 180g
  • Nước cốt dừa: 200ml
  • Bột năng: 15g
  • Cà rốt, củ sắn, chanh, ớt
  • Hành tím, hành lá
  • Gia vị thông dụng

cach-lam-banh-duc-3

2. Chế biến

Bước 1: Pha bột bánh đúc

  • Bạn chuẩn bị tô sạch cho vào bột gạo, bột năng cùng 1 thìa cà phê muối trộn đều lên.
  • Cho tiếp vào nước cốt dừa cùng 300ml nước lọc. Khuấy đều tất cả lên cho tan hết bột, tránh bị vón cục và để đợi trong 30 phút.

Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu

  • Củ cà rốt, củ sắn bạn gọt bỏ vỏ, rửa sạch rồi bào thành sợi nhỏ.
  • Bạn bóc vỏ và băm nhuyễn 2 tép tỏi, 3 củ hành tím để riêng ra.
  • Hành lá bạn nhặt rửa sạch rồi cắt nhỏ.
  • Bạn băm thêm một phần tỏi ớt để lát làm nước chấm.
  • Thịt heo xay bạn ướp cùng ½ thìa cà phê bột ngọt, ½ thìa cà phê tiêu xay, 1 thìa cà phê nước mắm, ½ muỗng hành tím băm, 1 thìa cà phê hạt nêm. Trộn đều tất cả các nguyên liệu và chờ ngấm trong 15 phút.

Bước 3: Hấp bánh đúc

  • Số bột bạn pha ở bước 1 bạn đổ ⅓ số bột này vào khuôn bánh rồi mang đi hấp. Trước đó bạn nhớ thoa một ít dầu ăn vào khuôn bánh để không bị dính khuôn.
  • Cứ 7 phút bạn mở nắp nồi một lần rồi thêm ⅓ phần bột chừa lại. Tiếp tục thực hiện như vậy cho đến khi hết số bột đã pha.
  • Chờ khoảng 15 phút cho bột bánh chín là bạn có thể lấy bánh ra, để nguội là được.
  • Để kiểm tra bánh đúc chín chưa bạn lấy một cây tăm và cắm vào bột bánh. Nếu cây tăm không bị dính bột tức là bánh đã chín và có thể tắt bếp để lấy bánh ra.

Bước 4: Xào nhân bánh đúc

  • Bắc chảo chống dính lên bếp. Thêm hành tím, tỏi băm và thêm ít dầu vào chảo. Phi thơm vàng rồi cho số thịt đã ướp vào xào đều tay.
  • Bạn cho thêm 50ml nước lọc vào chờ cho nước sôi thì thêm sắn và cà rốt bào sợi vào xào chung trong 3 phút. Cuối cùng bạn cho thêm hành lá vào đảo đều là có thể tắt bếp.

Bước 5: Làm nước mắm chua ngọt

  • Cho vào bát 3 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh đường cùng 1 chén nước nóng tầm 50ml khuấy tan đều nguyên liệu.
  • Vắt thêm một miếng chanh và thêm tỏi ớt băm nhuyễn vào là xong.

Bước 6: Cắt bánh

  • Bạn chờ cho bánh nguội hẳn rồi cắt thành từng miếng vừa ăn.
  • Cho nhân bánh gồm thịt, cà rốt, củ sắn xào lên trên.

Bước 7: Thành phẩm

Bánh đúc mặn miền Nam có sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu từ thịt băm xào, chút ngậy của nước cốt dừa. Độ mềm mịn của bánh ăn kèm với nhân và rau sống chấm nước mắm chua ngọt không còn gì tuyệt vời hơn. Món ăn truyền thống mang đậm hương vị của người miền Nam bạn nên thử làm để thưởng thức cùng gia đình mình.

Cách làm bánh đúc lạc

Bánh đúc lạc dân dã, bình dị và có cách làm không hề cầu kỳ. Chỉ với những nguyên liệu gồm lạc, bột gạo và ít nguyên liệu đơn giản khác bạn có thể làm ra được món bánh đúc lạc thơm ngon, tròn vị.

1. Nguyên liệu

  • Lạc: 100g
  • Bột khoai tây: 125g
  • Bột gạo lọc: 125g
  • Dầu ăn: 1 muỗng canh
  • Nước: 1 lít
  • Muối: 1 thìa cà phê
  • Đường: 1 thìa cà phê
  • Nước cốt chanh
  • Nước ấm: 3 thìa cà phê
  • Tương bần: 1 thìa cà phê

cach-lam-banh-duc-4

2. Chế biến

Bước 1: Ngâm lạc

  • Lạc đem ngâm với nước sạch để trong 5 tiếng hoặc để qua đêm sau đó đãi rửa sạch.
  • Bạn nấu một nồi nước sôi rồi cho lạc vào luộc trong 2 phút, chắt bỏ đi phần nước bên trong.
  • Luộc lạc tiếp cùng 500ml nước thêm 1 thìa cà phê muối. Đậy nắp lại và luộc đến khi lạc chín thì đổ ra cho ráo nước.

Bước 2: Trộn bột bánh

  • Chuẩn bị tô sạch cho vào bột khoai tây, bột gạo cùng 500ml nước lọc để nguội khuấy đều cho tan toàn hoàn.
  • Để yên nước bột như vậy trong vòng 30 phút.
  • Sau 30 phút bạn chế thêm chỗ nước luộc lạc còn nóng cho vào phần bột vừa pha. Vừa đổ bạn vừa khuấy đều tay.

Bước 3: Nấu bột

  • Bắc nồi bật lửa và cho hỗn hợp bột vừa pha vào. Bạn khuấy đều tay liên tục trên lửa vừa. Khi thấy hơi nước bốc lên, một ít bột dính đáy thì bạn hạ nhỏ lửa và tiếp tục khuấy.
  • Bạn khuấy như vậy cho đến khi bột quánh đặc mịn lại thì tăng lửa lên mức trung bình. Tiếp tục khuấy bột đến khi thấy dẻo và trong. Lúc này bạn cho thêm vào 1 muỗng canh dầu ăn và khuấy đều cho đến khi bột sôi có độ trong hơn và dẻo đặc hơn.
  • Bạn cho số lạc đã luộc vào trộn đều lên rồi tắt bếp.
  • Đổ bột ra khuôn hoặc lá chuối, dàn mỏng có độ dày khoảng 1 - 1.5cm và chờ cho bánh nguội hoàn toàn là có thể cắt bánh.

Bước 4: Pha nước chấm bánh đúc

Bạn pha vào bát 2 thìa cà phê tương bần, 3 thìa cà phê nước ấm, 1 thìa cà phê đường cùng ít nước cốt chanh. Khuấy đều tất cả lên cho tan hoàn toàn là hoàn thành.

Bước 5: Thành phẩm

Bánh đúc lạc sau khi hoàn thành có độ dẻo dai, mềm mịn có mùi vị bùi bùi từ lạc kết hợp với hương vị đặc trưng của nước chấm tạo nên món ăn thơm ngon, hấp dẫn.

Cách làm bánh đúc giòn

Món bánh đúc giòn làm không khó. Chỉ với một số nguyên liệu cực đơn giản bạn cũng có thể tự chế biến ngay tại nhà để thưởng thức cùng gia đình. Bánh đúc giòn có hương vị ngầy ngậy, béo béo và giòn giòn kết hợp với nhau càng trở nên lưu luyến, khó quên.

1. Nguyên liệu

  • Bột gạo: 300gr
  • Bột khoai tây: 200gr
  • Lạc: 200gr
  • Nước sôi: 1.5 lít
  • Nước vôi trong: 20ml
  • Dầu ăn: 1 muỗng canh
  • Muối: 1 thìa
  • Chanh, ớt
  • Tương bần
  • Đường

cach-lam-banh-duc-5

2. Cách làm

Bước 1: Ngâm lạc

  • Lạc chọn loại ngon cho vào nước sạch ngâm trong 3 - 4 tiếng cho nở mềm. Hết thời gian bạn rửa lại nhiều lần cho sạch.
  • Đổ lạc vào nồi, đổ nước xâm xấp thêm một nhúm muối tinh và luộc trong tầm 15 phút đến khi lạc chín đều thì đổ ra để ráo.

Bước 2: Pha bột

  • Bạn trộn bột gạo, bột khoai tây cùng 1 ít muối cho đều. Đổ thêm vào nước lọc và khuấy cho thật tan, tránh bị vón cục. Đồng thời bạn đổ thêm 20ml nước vôi trong vào khuấy đều.
  • Nước vôi trong sẽ giúp cho bánh đúc có độ giòn, dẻo dai, rắn chắc chứ không mềm nhũn.

Bước 3: Nấu bột

  • Bạn đặt nồi lên bếp, bật nhỏ lửa và đổ số bột đã hòa tan vào.
  • Bạn vừa nấu vừa khuấy đều tay cho đến khi bột sánh lại. Chờ cho đến khi bột sền sệt lại bạn lại hạ nhỏ lửa để bột không bị đóng lại.
  • Khi bạn thấy quấy hơi nặng tay thì bạn cho thêm 1 muôi canh dầu ăn vào và khuấy đều cho đến khi thấy bột trong hơn, dẻo đặc lại hơn.
  • Sau cùng bạn cho lạc đã luộc vào trộn đều với bột đang khuấy là được.

Bước 4: Đổ bánh đúc

  • Bạn dùng mâm hoặc lá chuối sạch thoa lên ít dầu ăn để không bám dính bột. Dàn đều bột lên để dày khoảng 1 - 1.5cm.
  • Chờ cho bánh nguội hoàn toàn là bạn có thể dùng dao để cắt bánh thành từng miếng nhỏ vừa ăn.

Để làm được món bánh đúc giòn ngon còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bột phải là loại bột gạo tẻ. Khi pha bột với nước vôi trong cần phải đúng tỷ lệ. Nếu như pha nước vôi trong quá nhiều sẽ khiến bánh có vị mặn, hơi nồng. Còn nếu pha quá ít thì bánh lại bị nhão và không có độ giòn như mong muốn.

Miếng bánh đúc giòn màu trắng ngà, có độ mịn được điểm xuyết bằng những hạt lạc nhìn hấp dẫn lại ngon mắt. Bạn có thể chấm bánh đúc giòn với nhiều loại nước chấm khác nhau như tương bần hay nước mắm chua ngọt tùy khẩu vị.

Khác với các loại bánh khác, bánh đúc có giá thành rẻ lại được chế biến đa dạng với nhiều công thức khác nhau nên không hề ngán. Món ăn này cũng có mặt ở khắp các phố phường đến các chợ nhỏ ở thôn quê. Nếu bạn chưa từng được ăn, không thể mua được có thể tham khảo những cách làm bánh đúc trên đây để chiêu đãi cả nhà.

- (0 bình chọn)
  0/5
Được đánh giá :
An Hạ

Mình rất thích làm bánh và nấu ăn, bởi vậy những món đồ gia dụng trong gia đình là điều mình đặc biệt quan tâm. Mình đã nhiều lần mua hàng online nhưng nhận về sản phẩm không ưng ý, hoặc băn khoăn rất lâu trước một sản phẩm có quá nhiều lựa chọn. Và mình nhận thấy rằng có nhiều người cũng gặp tình trạng như mình khi mua thiết bị gia dụng, đời sống. Đó là lý do mình quyết định chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức mua sắm đồ cho gia đình qua những bài viết trên website Danhgiatot. Hi vọng những tích lũy của bản thân mình sẽ giúp các bạn tiết kiệm thời gian và mua sắm được những sản phẩm chất lượng.

Bảng xếp hạng này có hữu ích không?

Chia sẻ nhận xét của bạn

Đánh giá của bạn:

Bài viết liên quan
Bài viết đọc nhiều